THÓI QUEN MÚT TAY

Thói quen này thường gặp ở trẻ khoảng dưới 2 tuổi. Đây chỉ là đặc điểm bình thường của lứa tuổi. Nhiều trường hợp trẻ đưa cả chân lên mút, ngậm hoặc có trẻ cắn móng tay... Trẻ làm những hành động đó vì trẻ sẽ cảm thấy an toàn hơn, lúc đầu có thể trẻ muốn chơi với ngón tay của mình, đưa tay vào miệng và mút, nhưng về lâu nó trở thành thói quen hình thành sự vô thức mút tay. Ở trường mầm non, chúng mình đã từng thấy một em bé mút tay đến nỗi ngón tay cái đỏ mòn qua một bên và nổi một cục chai sưng to và đỏ. Điều này thật sự không tốt cho trẻ chút nào. Chưa kể trên bàn tay của mỗi chúng ta có hàng triệu triệu vi khuẩn đang cư ngụ, dẫn đến việc mút tay là phương tiện trực tiếp đưa vi khuẩn vào bên trong cơ thể của trẻ, là tác nhân gây ra các bệnh nhiễm khuẩn như tiêu chảy, nôn mửa, đau bụng hay viêm họng... Vậy nên, ba mẹ và cô giáo cần giúp trẻ không mút tay nữa.  

Chúng ta đánh vào tay của trẻ khi trẻ mút tay hay sẽ phạt? Dạ không, chúng ta sẽ không làm như vậy. Chúng tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa vì đó là biểu hiện bình thường của mọi đứa trẻ, là một phần trong quá trình phát triển của con. Chúng ta sẽ tìm ra những cách tích cực, thay thế thói quen mút tay đó bằng những thói quen mới, tốt cho bé. Chúng ta sẽ cung cấp cho trẻ những đồ vật, đồ chơi nào để con có thể dùng để gặm thay thế cho việc ngậm mút ngón tay. Hãy chọn những món đồ chơi phù hợp với lứa tuổi, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, và đặc  

 

biệt là chất lượng sản phẩm đã được kiểm định an toàn. Kế đến ba mẹ và cô giáo cần để ý, xem những lúc nào thì trẻ mút tay, trẻ luôn luôn mút tay hay khi cảm thấy không an toàn, hay mút tay sẽ giúp trẻ cảm thấy tự tin hơn. Những lúc như thế, mình có thể nói với trẻ: “Con ơi, con nắm tay lại với nhau nè”, “Vỗ tay nào/ Lắc cái tay cho đều nào”. Khi vừa nhìn thấy trẻ mút tay, chúng tôi thường nói với trẻ: “You put your fingers together”, ngay lập tức trẻ chú ý tới lời nói, thực hiện theo yêu cầu, chơi với bàn tay theo những cách khác nhau. Từ đó trẻ đang được hình thành một thói quen mới đó là nắm hai tay lại với nhau và trẻ được tự kiềm chế bản thân không mút tay nữa. Về sau mỗi lần trẻ đưa tay lên mút trẻ có thể tự nắm hai tay lại với nhau khi nhớ ra. Hoặc chúng ta nhẹ nhàng kéo tay trẻ ra khỏi miệng của trẻ, nhìn vào mắt trẻ và nói nhỏ cùng con- “Dạ không”, đồng thời kết hợp với ngôn ngữ cơ thể như lắc đầu hay dùng ngón tay trỏ lắc qua lắc lại, sau đó chỉ vào tay của trẻ và nói: “Tay là để cầm nắm đồ chơi nha con”. Và có một niềm tin rằng qua lứa tuổi trẻ sẽ không còn mút tay nữa. Ngay từ đầu chúng ta nhìn thấy hành vi, thói quen đó và giúp trẻ thay thế bằng hành vi, thói quen khác tốt hơn sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.