Bắt chước là bản năng tự nhiên trong mỗi đứa trẻ. Việc trẻ bắt chước những hành vi xấu của bạn bè xảy ra thường xuyên tại các lớp học. Ví dụ như một trẻ la hoặc cười lớn tiếng, các trẻ khác sẽ hùa theo cùng cười la lớn tiếng theo. Một trẻ chạy nhảy trong lớp, các trẻ khác nhìn thấy và chạy nhảy theo. Hay một trẻ nói lời không hay, các trẻ khác nghe và bắt chước nói theo… Nó là một biểu hiện của tâm lý đám đông, kể cả trẻ em và người lớn đều có. Trong những tình huống như thế, thường khiến cho giáo viên cảm thấy bối rối, và cả tức giận. Từ đó dẫn đến những hành động như la mắng hay cả đánh phạt bé. Cách giải quyết này không hề ổn chút nào? Vì vậy mình cần phải làm gì khi những tình huống này xảy ra trong lớp học của mình?
Thứ nhất, chính mỗi giáo viên cần phải tạo ra, phải có một mối quan hệ tích cực, thân mật với các học trò của mình. Vì khi giữa cô giáo và trẻ của mình có quan hệ tích cực với nhau, khi xử lý các tình huống đó sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Tiếp theo, những tình huống này, thường sẽ có một trẻ trong lớp khởi xướng – “chuyên gia đầu têu”, các cô cần phải nhạy trong việc nhận biết trẻ đó sắp “khởi xướng”, xử lý kịp thời khi mới bắt đầu, đừng để hành vi hay thói quen đó lan ra đám đông, lan ra cả lớp lúc đó sẽ khó xử lý hơn rất nhiều. Vì vậy Cô giáo có thể kiểm soát và ngăn ngừa việc bắt chước các hành vi chưa hay, chưa tốt ở trẻ bằng cách cô giáo thường xuyên bên cạnh trẻ “đầu têu” để kịp thời nhận biết, xử lý và có mối quan hệ tích cực với trẻ đó, trẻ sẽ dễ dàng lắng nghe và hợp tác hơn. Khi cô giáo nhìn thấy những hành vi đó, cô cần lập tức đến bên trẻ, ngồi xuống ngang tầm mắt với, để trẻ dừng lại hành vi đó và giải thích nhẹ nhàng nhưng nghiêm túc, cho trẻ nhìn thấy cái được và cái không được của hành vi đó. Tuyệt đối giáo viên không được làm mất mặt trẻ đó trước mặt các bạn hay người khác. Chẳng hạn như cô giáo nói với cả lớp: “Bạn này làm hành động như vậy đó, bạn này thật là hư quá”, hay bảo các bạn trong lớp “ê” bạn đó. Hành động và lời nói của cô giáo không hay, rất tiêu cực và chính cô giáo đang cổ vũ trẻ “chọc, cười đùa” các bạn khác, lấy người khác ra làm trò vui, các trẻ khác sẽ thấy trò này rất buồn cười, rất vui và bắt chước làm theo để tiếp tục được cười. Điều này không tốt chút nào, hoàn toàn đi ngược lại với giáo dục tích cực. Khi cô giáo đã giúp trẻ “đầu têu” từ bỏ được hành vi xấu, thói quen xấu bằng hành vi tốt, thói quen tốt, khen ngợi trẻ khi có những hành vi tốt, tích cực, khuyến khích các bạn trong lớp cùng làm theo. Bên cạnh đó, cô giáo cần chia nhỏ cái nhóm các bạn hay bắt chước các hành vi tiêu cực của nhau, tránh không cho trẻ ngồi cạnh nhau khi ngồi học. Cô giáo cần giải thích nhẹ nhàng với từng trẻ một về hành vi đó. Khen ngợi mỗi trẻ với các hành vi đúng, nêu gương tốt trước lớp. Từ đó trong lớp học sẽ giảm đáng kể các tình huống trẻ bắt chước các hành vi tiêu cực của nhau và các trẻ sẽ học hỏi, bắt chước nhau những hành vi, thói quen tích cực.