Mỗi một hoạt động đều có một khoảng thời gian diễn ra nhất định. Cuộc sống là những chuỗi hoạt động nối tiếp nhau, cuộc sống là như vậy. Chúng ta dễ dàng nhận thấy có rất nhiều tình huống khi một hoạt động nào của trẻ đó bị dừng lại trẻ có những phản ứng khi khóc la om xòm, chống đối, ăn vạ hay lơ đi giả vờ như không nghe thấy và vẫn tiếp tục chơi. Tình huống này nhiều vô số kể như: dừng xem smartphone, dừng xem ti vi, dừng chơi trò chơi, không ngủ nữa phải thức dậy đi học, không chơi công viên phải đi về nhà... Chúng ta hãy thử đặt mình vào vị trí của trẻ khi đón nhận thông tin này.
Chúng ta sẽ cảm thấy như thế nào? Ôi bất ngờ quá, không kịp phản ứng gì hết, con
đang chơi vui mà, đây là điều con ưa thích, tại sao con phải dừng, tự nhiên Ba mẹ không cho con chơi nữa, con không thích điều này một chút nào. Ai trong những tình huống bất ngờ này cũng sẽ vô cùng khó chịu. Từ đó ta sẽ dễ hiểu khi trẻ có những biểu hiện như khóc lóc lớn tiếng, ăn vạ, chống cự lại.
Vì vậy thay vì bất ngờ bảo trẻ: "Nào, trả điện thoại cho mẹ" thì hãy thông báo cho trẻ trước giờ trả một chút: "Con ơi, con còn 5 phút nữa để chơi, hết 5 phút con trả lại điện thoại cho mẹ nha". Làm như vậy, trẻ được chuẩn bị tinh thần trước, không bị bất ngờ, bối rối khi hết giờ. Lưu ý trước mỗi hoạt động, hãy thông báo hay thỏa thuận cùng trẻ khoảng thời gian, ví dụ như: "Con sẽ được chơi lego 20 phút nhé, con có đồng ý không?". Đối với trẻ nhỏ quá, trẻ chưa thể biết như thế nào là 20 phút, chúng ta có thể dùng những âm thanh, hình ảnh trẻ nhận biết được như: "Con sẽ được chơi lego 20 phút nhé, khi nào hết 20 phút cô sẽ gọi giúp con bằng cách rung lên 2 hồi chuông như thế này", làm mẫu cho trẻ xem hay: "20 phút là khi kim dài chỉ đến số 4 con nhé"... Việc chúng ta và trẻ đã có một sự thỏa thuận, thống nhất với nhau sẽ dễ dàng hơn rất nhiều khi kết thúc hoạt động, trẻ sẽ cảm thấy mình được tôn trọng và chủ động hơn. Đối với trẻ lớn hơn khoảng trên 6 tuổi, chúng ta có thể cùng trẻ xây dựng thời gian biểu hằng ngày. Trẻ sẽ rất hào hứng và tuân thủ rất đúng giờ giấc, không quên thời gian biểu đó phải đảm bảo sự hợp lý, cân bằng giữa các hoạt động, lượng thời gian, sức khỏe cho phép, cùng trẻ trao đổi, cuối ngày có thể cùng trẻ xem lại. Nhiều trường hợp, ba mẹ và cô giáo đã thỏa thuận, thống nhất cùng nhau về lượng thời gian, đã nhắc với trẻ khi sắp hết thời gian nhưng đến lúc hết thời gian thì trẻ không thực hiện như những gì đã thỏa thuận, lúc đó chúng ta phải làm gì đây?
Hãy bình tĩnh, đến bên cạnh trẻ, ngồi xuống ngang tầm nhìn với trẻ, nhìn thẳng vào mắt trẻ và nói với trẻ thật nhẹ nhàng nhưng đủ nghiêm: “Con ơi, con đã chơi lego hết 20 phút rồi, mình sẽ dừng chơi lego tại đây nhé!”, chúng ta có thể nói thêm với trẻ: “Ngày mai, cô sẽ tiếp tục cho con chơi lego nữa nhé, tụi con lại cùng nhau xây những tòa nhà thật cao!”, “Chiều nay con được đi chơi công viên, con vui và thích lắm phải không? Mẹ hứa tuần sau sẽ dẫn con đến đây chơi nữa, mình sẽ chơi thật vui, cười thật nhiều với nhau như hôm nay”, đưa ra một lời mời hấp dẫn với những hoạt động tiếp theo, hướng sự chú ý của trẻ về vấn đề khác: “Con ơi, bây giờ mình sẽ cùng nhau về nhà, mẹ sẽ làm món “cánh gà chiên” con thích nhé!”, “Con ơi, mình thức dậy thôi, con muốn mặc bộ đồ nào để đi học đây? Bộ iron man màu đỏ hay supperman màu vàng này!”... Nếu trẻ vẫn tiếp tục chơi hay không đưa lại điện thoại, chúng ta có thể nói: “Con ơi, Cô đã cho con chơi hết 20 phút theo thỏa thuận ban đầu, nhưng bây giờ con vẫn tiếp tục chơi, thì ngày mai con sẽ không còn thời gian chơi lego nữa”, chúng ta thực hiện theo đúng thỏa thuận dù cho trẻ có khóc lóc, ăn vạ, điều này sẽ dạy cho trẻ biết rằng cần tuân thủ đúng theo nguyên tắc, thỏa thuận. Khi trẻ khóc chúng ta có thể nói: “À, con muốn khóc phải không? Vậy thì con ngồi đây khóc một chút nha, khi nào con bình tĩnh thì chúng ta sẽ đi vào lớp ăn trưa nhé”. Hãy bình tĩnh thực hiện và có nguyên tắc để trẻ trau dồi tính kỷ luật cho mình. Vì tính kỷ luật là cần thiết để thành công và hạnh phúc cho chính bản thân con.