TRẺ HỎI ĐI HỎI LẠI MỘT CÂU HỎI

 

Đến khoảng 2 – 3 tuổi, khi trẻ đã có một lượng vốn từ nhất định, trẻ nói lưu loát, rõ ràng hơn, khả năng quan sát, tìm hiểu và khám phá thế giới phát triển rất mạnh và rất nhanh. Trong trẻ có muôn vàn câu hỏi: “Đây là cái gì? Vì sao? Thế nào?...” và đây là một trong những nhu cầu của trẻ, nhu cầu được hỏi. Một ngày không biết trẻ hỏi bao nhiêu câu và có nhiều câu hỏi đi hỏi lại không biết bao nhiêu lần mặc dù Ba mẹ, Cô giáo đã trả lời cho trẻ, trẻ đã biết được câu trả lời.  

Ba mẹ và cô giáo ơi! Đặt câu hỏi là dấu hiệu quan trọng trong quá trình phát triển mỗi ngày của con đấy ạ! Thật là tuyệt vời vì khi trẻ biết đặt câu hỏi chứng minh trẻ bắt đầu biết tư duy, suy nghĩ, thể hiện sự hào hứng khám phá, nhận biết môi trường xung quanh con. Từ đó đẩy manh quá trình phát triển ngôn ngữ, phát triển nhận thức của đứa trẻ. Tuy nhiên nhiều lúc điều này làm cho chính người lớn chúng ta cảm thấy vô cùng khó chịu, bực bội. Xin chúng ta hãy bình tĩnh, tôn trọng trẻ, mỗi câu hỏi của trẻ đều có một giá trị nhất định. Khi chúng ta trả lời câu hỏi là lúc chúng ta cung cấp thêm kiến thức với trẻ, khơi dậy, khuyến khích sự tò mò, ham hiểu biết của trẻ, nhìn xem cách cảm nhận thế giới của riêng bé. Nếu câu hỏi đó trẻ đã hỏi nhiều lần và được trả lời giải thích, trẻ hỏi lần nữa, chúng ta hãy thử hỏi lại chính câu hỏi đó với bé. Tôi nghĩ chúng ta sẽ rất bất ngờ, ngạc nhiên “mắt tròn xoe, miệng há to” với câu trả lời vô cùng thú vị, ngộ nghĩnh, đáng yêu nhưng cực kì hay, logic từ trẻ của mình. Nếu chúng ta la quát trẻ: “Sao con cứ hỏi đi hỏi lại vậy? Con không thấy chán sao? Đừng có hỏi nữa!”, việc này không giải quyết được vấn đề gì, trẻ không được đáp ứng đúng nhu cầu của mình, sẽ cảm thấy khó chịu hơn và về lâu dài trẻ sẽ không còn hứng thú với việc đặt câu hỏi nữa, giảm đi trí tò mò, sự hứng thú khám phá trong bé. Tôi đoán có nhiều lúc ba mẹ và cô giáo sẽ phải bối rối, gãi đầu vì câu hỏi của trẻ, không biết phải trả lời hay giải thích với trẻ như thế nào. Những lúc này đừng lơ đi, đừng lảng tránh trẻ hay bịa ra một câu trả lời qua loa, nói dối trẻ mà hãy cùng trẻ đi tìm câu tra lời, chúng ta có thể nói: “Wow, câu hỏi của con thật hay, nhưng cô xin lỗi vì thật sự cô chưa rõ điều này. Con có muốn cùng cô đi tìm câu trả lời không? Mình sẽ đi hỏi những người khác xem sao?” hay: “Câu hỏi này cô sẽ tìm hiểu kĩ và ngày mai sẽ trả lời với con nhé”, và nhớ là những gì chúng ta hứa với trẻ, hãy thực hiện theo đúng lời hứa. Nếu trẻ hỏi lúc chúng ta đang quá bận không thể trả lời, giải thích hãy nói với trẻ: “Bây giờ cô đang rất bận, chiều nay con nhắc lại câu hỏi, cô sẽ trả lời giúp con nhá”. Hãy nhớ luôn kiên nhẫn, tôn trọng với bé.