TRẺ KHÔNG CHỊU DỌN ĐỒ CHƠI

 

Có một “bài ca không quên” ngày nào phụ huynh và cô giáo cũng phải ca với các trẻ: “Con ơi, con chơi xong sao không dọn đồ chơi? Sao lúc chơi thì bày ra nhanh lắm mà lúc thu dọn thì ì à ì ạch thế này!”. Chúng mình tin chắc một ngày bài ca này phải được ca không dưới 3 lần. Điều đầu tiên, chúng ta cần làm đó là thiết lập nguyên tắc với trẻ: “Con ơi, khi chơi xong chúng ta cần phải dẹp đồ chơi gọn gàng như trước khi chơi”. Nguyên tắc này phải luôn được lặp đi lặp lại sau mỗi giờ chơi để hình thành cho trẻ ý thức, thói quen tốt “khi chơi xong cần phải dẹp đồ chơi”. Đối với trẻ nhỏ, có rất nhiều lý do khiến trẻ không dọn đồ chơi nào là trẻ còn quá nhỏ chưa đủ khả năng để dẹp hết được hay quá nhiều đồ chơi và trẻ không biết dọn từ đâu, không đủ kiên nhẫn để dọn. Với lý do ở độ tuổi của trẻ, trẻ còn nhỏ quá trẻ không biết dẹp như thế nào, không thể dẹp hết được thì chúng ta cho trẻ dẹp theo khả năng của của bản thân, trẻ 18 tháng có thể dẹp 3 – 4 món đồ chơi để chúng lên lại kệ là tốt rồi, phần còn lại chúng ta nhanh tay “phụ giúp” bé. Khi trẻ lớn hơn, chúng ta cho trẻ dọn nhiều hơn với khả năng của trẻ, với trẻ 5-6 tuổi trẻ đã có thể tự dọn dẹp được hết đồ chơi. Đừng bao giờ làm dùm trẻ, làm hết phần của trẻ, trẻ sẽ ỷ lại vào ba mẹ, trẻ nghĩ mình không cần phải làm nữa vì đã có người làm giúp rồi, ngồi chơi khỏe hơn. Hãy cho trẻ được làm, có thói quen dọn đồ chơi sau khi chơi xong. Nếu vì nguyên nhân có quá nhiều đồ chơi nên trẻ cảm thấy dọn dẹp là phiền phức và không dọn đồ chơi, hãy cho trẻ số lượng đồ chơi, góc chơi vừa đủ thôi để trẻ có khả năng dẹp. Ví dụ, mỗi lần trẻ sẽ được lấy 2 quyển sách để đọc thôi, muốn đọc thêm trẻ phải cất 2 quyển trước, như vậy trẻ có thể làm được, chia nhỏ công việc ra để trẻ có thể thực hiện một cách tốt nhất. Tuyệt đối ba mẹ và cô giáo không la mắng trẻ, hãy nói chuyện thật nhẹ nhàng với bé. Ví dụ như trẻ đang chơi góc này nhưng trẻ  thấy một món đồ chơi khác và thích quá, chưa kịp dẹp, hãy nói nhẹ nhàng với trẻ “Con qua bên kia chơi. Chút nữa chơi xong con qua đây lại dọn món đồ chơi này nha”. Một số phương pháp khác dọn đồ chơi ba mẹ và cô giáo có thể áp dụng như nhắc trẻ khi sắp đến giờ dọn đồ chơi, để trẻ có thể chuẩn bị tâm lý, tinh thần trước. Hãy dọn cùng con, biến việc dọn đồ chơi thành một trò chơi như “Ai dọn nhanh hơn”, bên cạnh đó không thể thiếu những lời khen dành cho trẻ: “Wow, hôm nay con đã để bạn xe tải về đúng chỗ, chắc bạn vui lắm đây. Cả ngày hôm nay bạn đã chơi với mình. Xe tải hãy ngủ trên kệ thật ngon nhé”. Nói lên suy nghĩ, cảm nhận của chúng ta khi thấy trẻ dọn đồ chơi: “Thật là thoải mái làm sao/ thật là vui”..., có thể kèm thêm một cái ôm trẻ thật chặt, một cái đập tay dành cho bé. Đối với những kỹ năng tự phục vụ như dọn dẹp đồ chơi, tự để dép lên kệ, tự xếp quần áo, tự thay đồ, tự dẹp chén muỗng sau khi ăn xong... ba mẹ và cô giáo cần từng bước giúp trẻ hình thành thói quen, nhẹ nhàng trò chuyện, giải thích với trẻ, cho trẻ được làm theo khả năng của mình, không quên gửi tặng trẻ những lời khen khuyến khích bé.