
Thực tế, những lời nói không hay, nói bậy đứa trẻ đã được nghe đâu đó trong chính gia đình, trên trường hay ngoài đường, điều này xảy ra rất nhiều. Vì vậy trẻ nói bậy, nói từ không hay có thể là hành vi bắt chước một ai đó mà trẻ đã vô tình nghe và học nói theo. Chẳng hạn như trẻ nói chuyện với bạn và xưng hô với nhau “mày – tao”. Điều này trẻ có thể bắt chước và nói theo như cách người mẹ gọi những người bạn thân của mình, người lớn chúng ta thường suy nghĩ cho rằng cách xưng hô “mày – tao” với bạn bè nó thân thiết, chân thành với nhau, không câu nệ, khách sáo. Tuy nhiên điều này thực sự không hay khi làm gương và giáo dục trẻ, người lớn chúng ta nên sửa đổi, gọi tên nhau, gọi một cách yêu thương hay có thể dùng “nickname” với nhau, nó mang tính tích cực hơn rất nhiều. Ba mẹ và cô giáo làm gương cho trẻ, cẩn thận trong lời nói hằng ngày của mình, tuyệt đối không nói từ bậy, xưng hô tôn trọng lịch sự với nhau. Trẻ không chỉ học khi người lớn dạy dỗ, giải thích mà học qua cách người lớn giao tiếp, sống với trẻ mỗi ngày. Khi trẻ xưng hô “mày – tao”, chúng ta sẽ nhẹ nhàng gợi ý, hướng dẫn những cách xưng hô khác. Chúng ta có thể nhắc nhở: “Con ơi, con kêu bạn Tí hả? Con có thể nói: “Tí ơi, cho mình đọc sách cùng bạn với!”. Chúng ta có thể giúp con đổi những cách xưng hô khác: “Con có thể xưng hô bạn – mình hay cậu tớ hoặc gọi tên của nhau,
cách này lịch sự và dễ thương hơn đó con”, dần dần cách xưng hô không hay kia sẽ không còn nữa.
Chúng mình từng có một câu học trò rất lém lỉnh. Sau chuyến về quê thăm ông bà khá dài, con đi học trở lại và hay nói, đệm thêm từ “chó” với Cô giáo và bạn bè. Ví dụ như cô giáo gọi trẻ: “Con ơi, con đi rửa tay để ăn sáng nào?”. Trẻ trả lời: “Chó”, sự việc này kéo dài khoảng gần 1 tháng. Đối với tình huống này, lúc đầu khi mới nghe được chúng mình khá là ngạc nhiên và hoảng hốt, nhưng hiểu rằng đây có thể là trẻ đã nghe ai đó nói, học theo. Trẻ thực sự không hiểu hết ý nghĩa của cái từ này là không hay. Đầu tiên, chúng ta không gán thêm những từ này vào trong đầu đứa trẻ nữa, khi trẻ nói như vậy, chúng ta có thể nói: “Con nói “có” hả con?/ Ý của con là “có” đúng không?”. Chúng ta thay thế từ đó, hướng đến một ý nghĩa khác và làm cho trẻ quên đi dần. Vài trường hợp chúng ta có thể làm lơ đi khi trẻ nói, giả vờ như không nghe thấy, không ủng hộ trẻ, để trẻ quên dần từ bỏ hành vi đó. Trong quá trình nuôi dạy trẻ, ta dễ dàng nhìn thấy những điều tốt thì nói mãi, nhắc mãi mới nhớ nhưng những điều tiêu cực chỉ cần một hai lần là trẻ có thể nhớ, nói theo, làm theo rất nhanh và thế là mất thêm một khoảng thời gian dài để sửa đổi, thay thế. Chúng mình từng được nghe một người thầy nói rằng: “Kẻ thù lớn nhất của đời người chính là thói quen xấu của mình”. Chính vì vậy Ba mẹ và Cô giáo hãy là những tấm gương tốt cho con trẻ, luôn đồng hành cùng con, chơi với con nhiều hơn, lắng nghe con nhiều hơn để luôn hướng con đến những điều tích cực, rời bỏ những tiêu cực nhé!